Có nhiều con đường dẫn đến thất bại trong cuộc sống, và một trong số đó chính là thói ưa trì hoãn. Ở một mức độ nhất định, trì hoãn có thể trở thành một thói quen mang tính hủy hoại bản thân.
Tiến sĩ Joseph Ferrari, giáo sư tâm lý học của trường Đại học De Paul (Chicago, Hoa Kỳ), là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu hành vi trì hoãn của con người. Theo giáo sư Ferrari: “Chúng ta có xu hướng trì hoãn một số việc trong cuộc sống, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả mọi người đều là những kẻ ưa trì hoãn.”
Thực trạng
Trì hoãn là một hành vi phổ biến. Thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy khoảng 20% người trưởng thành thường xuyên phải vật lộn với sở thích trì hoãn của bản thân. Trường học là môi trường lý tưởng của tâm lý trì hoãn khi có từ 70% đến 90% sinh viên, học sinh thừa nhận họ là những người trì hoãn thường trực. Một số người thích trì hoãn cho rằng họ chỉ có thể làm việc hiệu quả dưới áp lực thời gian, nhưng kết quả thống kê hoàn toàn không chứng tỏ điều đó. Một báo cáo của nhà tâm lý học Piers Steel thuộc Đại học Calgary vào năm 2007 cho thấy những người ưa trì hoãn hay làm việc kém hiệu quả, dễ cảm thấy đau khổ, tốn kém vô ích cho các khoản tiền phạt chỉ vì chậm trễ, thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe và bỏ lỡ nhiều quyết định quan trọng trong cuộc sống. Không chỉ thế, những người này cũng đồng thời đánh mất thời gian dành cho việc giải trí và hưởng thụ chỉ vì luôn chần chừ trong mọi việc.
Bản chất của thói trì hoãn
Phần lớn chúng ta xem nhẹ thói trì hoãn và không có xu hướng khắc phục nó. Quan niệm đó có thể là một sai lầm nghiêm trọng, khi việc trì hoãn thường xuyên có thể là biểu hiện cho sự thiếu tự chủ bản thân.
Không nên nhầm lẫn giữa thói ưa trì hoãn với các vấn đề về sắp xếp thời gian và lên kế hoạch. Những người hay trì hoãn hoàn toàn có khả năng sắp xếp thời gian hiệu quả nếu họ thực sự muốn. Điểm khác biệt có chăng là họ có xu hướng lạc quan và dễ dãi hơn những người khác.
Trì hoãn không phải là đặc tính bẩm sinh như vài người lầm tưởng. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Thói quen trì hoãn có thể được hình thành do ảnh hưởng từ gia đình, bao gồm cách nuôi dạy của cha mẹ. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có thân phụ gia trưởng, khắt khe sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển khả năng tự chủ, tiếp thu ý kiến và tự quyết. Hành vi trì hoãn đôi khi được sử dụng như một cách thức nổi loạn, phản ứng lại những áp lực từ môi trường xung quanh. Sống trong gia đình đầy áp chế, những người ưa trì hoãn thường cởi mở với bạn bè – những người có thể du di cho sở thích chần chừ của họ – hơn là với gia đình, dẫn đến việc họ sẽ không có động lực để khắc phục thói quen tiêu cực này.
Những người thích “Để mai tính!”
Theo giáo sư Joseph Ferrari, có thể nhận biết được những người ưa trì hoãn thông qua 5 hành vi sau:
- Họ sẵn sàng phí phạm thời gian cho những việc ngoài lề – mà bản thân họ cho là quan trọng – thay vì chú tâm vào công việc cần làm.
- Tự cho rằng mình luôn còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc.
- Tự huyễn hoặc rằng mình sẽ có hứng thú để làm việc vào ngày mai, ngày mốt, tuần tới, hoặc thậm chí tháng tới.
- Cho rằng mình chỉ có thể làm việc tốt khi có hứng thú.
- Làm việc mà không có hứng thú thì sẽ không có hiệu quả.
Những người ưa trì hoãn thường tự tìm đến những thứ gây mất tập trung, chẳng hạn như lướt web hay kiểm tra email. Họ làm phân tán tư tưởng bản thân nhằm mục đích giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như nỗi sợ thất bại trong công việc.
Thói ưa trì hoãn cũng có muôn hình vạn trạng, và mỗi người lại có những lý do khác nhau để biện hộ cho việc trì hoãn. Giáo sư Ferrari thống kê được 3 loại người ưa trì hoãn thường gặp:
- Loại thứ nhất là những người ưa trì hoãn vì muốn tìm kiếm cảm giác phởn phơ. Những người này thường đợi “nước đến chân mới nhảy” để rồi sau đó “chạy vắt giò lên cổ” để hoàn thành công việc đúng tiến độ như một sở thích.
- Loại thứ hai là những người ưa trì hoãn để lảng tránh công việc vì sợ thất bại, hoặc vì e ngại áp lực do thành công mang lại. Đây là những người nhạy cảm với việc người khác nghĩ như thế nào về mình. Họ chấp nhận bị đánh giá là thiếu nỗ lực hơn là làm một kẻ thất bại.
- Loại thứ ba là những người trì hoãn trong việc đưa ra quyết định, vì họ sợ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.
Tác hại của trì hoãn
Các thống kê cho thấy trong số những người lạm dụng thức uống có cồn, những người ưa trì hoãn tiêu thụ nhiều hơn cả. Họ thường uống nhiều hơn họ nghĩ, như một biểu hiện của sự thiếu tự chủ, lối sống lảng tránh hoặc thói dễ dãi. Việc lạm dụng bia rượu về lâu dài tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Những sinh viên, học sinh có thói quen trì hoãn thường có biểu hiện của sức đề kháng yếu như bệnh cảm, bệnh cúm, các vấn đề về tiêu hóa, và chứng mất ngủ.
Về mặt xã hội, trì hoãn không chỉ là hành vi tiêu cực đối với bản thân mà còn làm phương hại đến các mối quan hệ xung quanh. Những người ưa trì hoãn thích đổ mọi trách nhiệm lên người khác, góp phần gây ra những xung đột. Trong công sở, thói trì hoãn có thể hủy hoại các mối quan hệ cũng như khả năng làm việc nhóm.
Nếu hành vi trì hoãn diễn ra quá thường xuyên đến độ khó chấp nhận, đó là một vấn đề thực sự cần sự can thiệp chuyên môn. Các nhà khoa học đã khám phá ra những mối liên hệ nhất định giữa thói trì hoãn thường trực với những chứng tâm lý đã được y văn thừa nhận như ADHD (chứng tự kỷ và tật hiếu động thiếu chú ý), xu hướng quấy rối bị động, hành vi trả thù, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và nhiều vấn đề về tâm lý khác.
Giải pháp
Từ những nghiên cứu của mình, giáo sư Ferrari đề xuất những chiến lược sau nhằm khắc phục thói trì hoãn:
Lên danh sách những việc cần làm;
Viết ra các dự định;
Thiết lập những mục tiêu khả thi;
Phân chia mục tiêu thành những công việc cụ thể để từng bước hoàn thành;
Đảm bảo rằng mỗi việc bạn làm có những ý nghĩa nhất định đối với bản thân;
Tự thưởng cho mình với mỗi công việc được hoàn thành;
Thành thật loại bỏ những việc không thực sự cần thiết;
Ước lượng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc và đặt ra quyết tâm thỏa mãn khoảng thời gian với hiệu quả làm việc cao nhất.
“Việc hôm nay chớ để ngày mai !”. Hãy sống, làm việc và tận hưởng hết mình cho hiện tại. Đừng chần chừ chỉ vì những nỗi sợ thiếu căn cứ./.
PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN (tổng hợp và biên dịch)
http://phannguyenkhanhdan.files.wordpress.com/2012/08/skds15.jpg